Giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình 
 

Giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

 

 Ngày 30/11/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2260/KH-UBND về việc giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi phục vụ xuất khẩu giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu của Kế hoạch là trên 70% cán bộ cấp tỉnh, huyện, hơn 30% cán bộ cấp xã làm công tác thú y thủy sản được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về giám sát dịch bệnh thủy sản trong năm 2018; nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm thủy sản phục vụ giám sát của Trạm Chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phấn đấu đến cuối năm 2019 Trạm chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh động vật đạt chuẩn ISO 17025. Đặc biệt, đến tháng 12/2020, toàn tỉnh có khoảng 01 - 02 cơ sở sản xuất tôm giống, 03 - 04 cơ sở nuôi tôm thương phẩm được cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật. Ngoài ra, Kế hoạch cũng sẽ tuyên truyền phổ biến các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh và quy định có liên quan; vận động, khuyến khích cơ sở, hộ nuôi tôm tự xây dựng kế hoạch thực hiện giám sát theo quy định.

Theo đó, Kế hoạch tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tập huấn chuyên sâu về bệnh trên tôm, kỹ năng chẩn đoán lâm sàng và biện pháp phòng, chống; quy định pháp lý về phòng, chống dịch bệnh, giám sát điều tra và xử lý dịch bệnh cơ bản; nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm phục vụ giám sát bệnh thủy sản; tổ chức giám sát một số bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi theo hai hình thức bị động lẫn chủ động. Ngoài ra, Kế hoạch cũng hướng tới các hoạt động khác như tuyên truyền, phổ biến kiến thức về biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh và quy định có liên quan; xây dựng cơ sở dữ liệu; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm thị trường xuất khẩu cho tôm Quảng Bình; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, trang thiết bị của các tổ chức Quốc tế để nâng cao năng lực trong công tác giám sát, xét nghiệm phục vụ xuất khẩu tôm...

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và đơn vị liên quan cần đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ nghiệp vụ đáp ứng nhiệm vụ giám sát dịch bệnh tôm; tiến hành công tác giám sát dịch bệnh chủ động triển khai đồng loạt tại địa phương được lựa chọn để đánh giá tình hình dịch tễ, dịch bệnh tại cơ sở nuôi tôm; giám sát dịch bệnh bị động (khi dịch bệnh xảy ra) được thực hiện ngay từ cơ sở nuôi tôm, cơ quan Thú y giám sát chặt chẽ, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời; đảm bảo nội dung kế hoạch giám sát được phổ biến đến cơ sở sản xuất, nuôi tôm.

Việc triển khai thực hiện Kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống và cảnh báo dịch bệnh, góp phần phát triển nuôi tôm bền vững, đẩy mạnh xuất khẩu tôm tại tỉnh Quảng Bình./.

 

                                                                                                              Phòng QLDB