Bản in     Gởi bài viết  
Hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống bệnh do TiLV (Virus Tilapia lake ) trên cá rô phi Tin có hình

 

Hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống bệnh do TiLV (Virus Tilapia lake ) trên cá rô phi                                

 

Bệnh do Tilapia lake virus (TiLV) là bệnh mới gây ra trên cá rô phi, chưa có trong danh sách các bệnh phải công bố dịch; bệnh lây lan qua hoạt động vận chuyển cá rô phi giống mang mầm bệnh từ nước này sang nước khác; cá rô phi nhiễm bệnh có tỷ lệ chết từ 20 – 90% chủ yếu giai đoạn nhỏ từ 1-3 tháng tuổi.

Hiện nay, tại tỉnh Quảng Bình chưa phát hiện trường hợp cá rô phi bị nhiễm bệnh TiLV, tuy nhiên giống cá rô phi nuôi đa số nhập từ ngoại tỉnh hoặc mua qua thương lái; chủ yếu thường nuôi kết hợp nhiều đối tượng cá nước ngọt, nuôi nhỏ lẻ, tự phát không có quy hoạch về hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt. Vì vậy, nguy cơ bệnh trên cá rô phi do virus TiLV gây ra có cơ hội xâm nhập và lây lan vào địa bàn tỉnh là rất cao. Để chủ động ứng phó với dịch bệnh mới do TiLV, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn như sau:

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh do TiLV trên cá rô phi

a) Đặc điểm dịch tễ của bệnh

- Vi rút TiLV gây bệnh ở các loài cá rô phi nuôi, gồm: Cá rô phi vằn (Nile tilapia, Oreochromis niloticus), cá rô phi lai tạo (O. niloticus × O. aureus hybrids) và cá rô phi đỏ/cá diêu hồng (Oreochromis sp.). Các loài cá rô phi hoang dã như cá rô phi xanh (Oreochromis aureus), cá rô phi Mango (Sarotherodon galilaeus), Tilapia zilliTristamellasimonis intermedia cũng mẫn cảm với vi rút này.

- Tỷ lệ chết trong các ổ dịch tự nhiên từ 09-90%; bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống (cá con). Cá rô phi đỏ (cá diêu hồng) giống nuôi lồng bị nhiễm bệnh, tỷ lệ chết có thể lên tới 90% trong vòng một tháng sau thả.

- Bệnh lây lan theo chiều ngang, từ cá bệnh sang cá khỏe trong cùng ao nuôi, trại nuôi, qua nguồn nước, dụng cụ, b) Dấu hiệu bệnh lý

- Bệnh gây tỷ lệ chết cao trong đàn cá nuôi, đặc biệt ở cá nhỏ. Cá mắc bệnh có biểu hiện chán ăn, màu sắc cơ thể biến đổi (sẫm màu); thay đổi tập tính bơi lội (như tập trung ở trên bề mặt, bơi lờ đờ), ngừng kéo đàn, hôn mê trước khi chết.

- Các dấu hiệu bên ngoài có thể có bao gồm: hiện tượng xung huyết, xuất huyết não; ăn mòn và lở loét từ dạng điểm đến mảng trên da; mang tái nhợt; mắt bị teo lại hoặc lồi ra, có hiện tượng đục thủy tinh thể; xoang bụng và hậu môn phình to; vẩy dựng lên, có thể bong tróc; đuôi bị ăn mòn.

c) Phương pháp thu mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm

- Thu nguyên con ấu trùng, cá bột, cá giống có biểu hiện bệnh lý bất thường; tùy theo kích cỡ cá, có thể thu từ 10-30 con/ao, bể; đối với cá có kích thước lớn, có thể thu gan, thận, lách, não.

- Mẫu dùng trong chẩn đoán PCR có thể là mẫu tươi hoặc đã cố định bằng cồn 95% hoặc trong dung dịch RNAlater (QIAGEN). Tốt nhất nên thu nguyên con còn sống hoặc bảo quản lạnh (2-40C).

2. Các biện pháp phòng, chống bệnh TiLV

Hiện nay, chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả bệnh này, vì vậy khi nghi ngờ hoặc phát hiện bệnh do TiLV gây ra trên cá rô phi cần áp dụng các biện pháp sau.

- Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh trên thủy sản nuôi theo Phương án số 1283/PA-SNN-CNTY ngày 05/6/2017 của Sở Nông nghiệp và PTNT về phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, trong đó cần chú trọng:

+ Nếu có hiện tượng cá rô phi chết nhiều bất thường, phải báo ngay cho UBND xã, phường, thị trấn và thú y cơ sở để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống;

+ Tuyệt đối không vận chuyển cá rô phi từ các ao nuôi đã bị bệnh sang các ao/vùng nuôi không bị bệnh để hạn chế dịch bệnh lây lan;

+ Không vứt cá chết, cá bệnh, xả thải nước ao nuôi bị bệnh nhưng chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý cá chết và chất thải theo hướng dẫn tại Phụ lục VI Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT.

- Cá rô phi giống trước khi thả nuôi cần được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đối với mầm bệnh TiLV.

- Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường quản lý ao nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan qua dụng cụ, phương tiện và con người (sử dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc sát trùng)./.

 

 

                                                                                                                                                                Phòng QLDB       

[Trở về]