Bản in     Gởi bài viết  
Một số đặc điểm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi 

 

I. MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

1. Đặc điểm chung của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Bệnh Dịch tả lợn Châu phi (tên tiếng Anh là African swine fever - ASF) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh và xảy ra ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã); bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được mầm bệnh nếu để xảy ra bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

2. Đặc điểm của vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Nguyên nhân gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một Myxovirrus chứa AND với kích thước rất nhỏ 10 - 30nm, dễ nuôi cấy và phát triển tốt trong môi trường tế bào bạch cầu và tế bào thận lợn. Vi rút có nhiều type huyết thanh (serotype) với độc lực rất khác nhau.

Vi rút có sức sống rất tốt. Trong máu, chúng tồn tại và giữ nguyên độc lực tới 6 năm nếu được bảo quản lạnh, ở nhiệt độ phòng cũng được 4 - 5 tuần. Vi rút trong lách lợn được bảo quản sâu (-200C đến -700C) tồn tại từ 82 - 105 tuần, nếu ở 370C được 22 ngày, ở 560C chúng sống tới 180 phút. Trong phân ẩm nhão vi rút tồn tại tới 122 ngày, trong nước tiểu 45 ngày. Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường pH= 5,3 chúng chỉ tồn tại không quá một phút (99% chết trong 15 - 20 giây). Các chất khử trùng truyền thống như Formol 1,5%- 2%, NaOH 3-4%, nước vôi 20% đều có khả năng tiêu diệt vi rút cường độc. Với hoạt chất Iodine, Benzalkonium, B.K.Vet, Virkon.S đều có thể sử dụng được trong công tác khử trùng tiêu độc.

3. Quá trình gây bệnh và lây lan vi rút Dịch tả lợn châu Phi

- Bệnh Dịch tả lợn châu Phi có thời gian ủ bệnh từ 3-15 ngày, ở thể cấp tính thời gian ủ bệnh chỉ từ 3-4 ngày.

- Vi rút Dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh.

4. Triệu chứng, bệnh tích của bệnh Dịch tả lợn châu Phi

4.1. Triệu chứng

- Lợn bị nhiễm Dịch tả lợn châu Phi có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Lợn bệnh biểu hiện các triệu chứng không khác biệt so với triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn cổ điển (đã và đang có tại Việt Nam). Do đó, việc chẩn đoán Dịch tả lợn châu Phi khó có thể thể xác định và phân biệt được bằng các triệu chứng lâm sàng; cần lấy mẫu gửi phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện vi rút Dịch tả lợn châu Phi.

- Thể quá cấp tính là do vi rút có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.

- Thể cấp tính là do vi rút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5-42°C). Trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước. Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím. Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu. Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 hoặc 20 ngày. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ tử chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang vi rút Dịch tả lợn châu Phi trong suốt cuộc đời.

- Thể á cấp tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình. Chủ yếu được tìm thấy ở châu Âu, lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn. Bệnh kéo dài 5-30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì lợn có thể chết, lợn mang thai sẽ sẩy thai, lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỉ lệ chết khoảng 30-70 %. Lợn có thể khỏi hoặc bị bệnh mãn tính.

- Thể mãn tính gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp, chủ yếu được tìm thấy ở Angola và châu Âu. Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh sẽ trở thành dạng mãn tính.

4.2. Bệnh tích

- Thể cấp tính: Xuất huyết nhiều ở các hạch lympho ở dạ dày, gan và thận. Thận có xuất huyết điểm, lá lách to có nhồi huyết. Da có màu tối và phù nề, da vùng bụng và chân có xuất huyết. Có nhiều nước xung quanh tim và trong xoang ngực hoặc xoang bụng, có các điểm xuất huyết trên nắp thanh quản, bàng quang và bề mặt các cơ quan bên trong; phù nề trong cấu trúc hạch lâm ba của đại tràng và phần tiếp giáp với túi mật, túi mật sưng.

- Thể mãn tính: Có thể gặp xơ cứng phổi hoặc có các ổ hoại tử hạch, hạch phổi sưng, viêm dính màng phổi.

5. Chẩn đoán phân biệt bệnh Dịch tả lợn châu Phi với các bệnh khác

Dịch tả lợn châu Phi và Dịch tả lợn cổ điển khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.

 

II. TÌNH HÌNH BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

 

1. Tình hình chăn nuôi

Tính đến ngày 20/02/2019 tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh là: Lợn 279.475 con (giảm 16.240 con so với tháng 01); trâu 33.710 con; bò 102.645 con; gia cầm 3.496.570 con.

2. Tóm tắt thông tin về bệnh DTLCP

Bệnh Dịch tả lợn Châu phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng; không gây bệnh cho các loài động vật khác; bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn nhưng  không lây nhiễm và gây bệnh ở người; vi rút có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong sản phẩm của lợn; bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm lợn mang mầm bệnh, hoặc gián tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn chưa mắc bệnh, sản phẩm mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim dư cư,…), các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người. Hiện nay trên thế giới chưa có văc xin phòng bệnh, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh.

    3. Tình hình bệnh DTLCP trên thế giới

- Trên thế giới: Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 03/3/2019, đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh DTLCP.

                - Tại Trung Quốc: Theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 03/8/2018 đến ngày 03/3/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh.

- Tại Đài Loan (Trung Quốc): Ngày 17/01/2019, đã phát hiện 01 con lợn rừng trên đảo Mẫu Đơn Giang (đảo không có người ở, đảo hoang) và đã được xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh DTLCP. Kết quả giải trình tự gien của vi rút này tương đồng 100% với vi rút DTLCP tại Trung Quốc.

- Tại Liên bang Nga: Vi rút DTLCP được phát hiện lần đầu tiên tại Liên bang Nga vào ngày 04/12/2007. Tính từ năm 2007 đến ngày 25/02/2019, tổng cộng đã có trên 1.000 ổ dịch xuất hiện tại 46 vùng của nước này, làm tổng cộng hơn 800.000 lợn chết. Theo số liệu của FAO, từ năm 2007 đến giữa năm 2012, bệnh DTLCP đã gây ra tổn thất trực tiếp và gián tiếp tại nước này khoảng 30 tỷ Rúp (tương đương 1 tỷ USD).

- Tại Mông Cổ: Ổ dịch đầu tiên được báo cáo vào ngày 15/01/2019. Tính đến ngày 26/02/2019, tổng cộng đã có 10 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh.

Ngoài ra, theo thông tin chưa chính thức, các nước trong khu vực, nhất là các nước có chung biên giới với Việt Nam cũng đã có bệnh DTLCP nhưng chưa công bố.

                4. Tình hình bệnh DTLCP tại Việt Nam

Từ ngày 01/2 – 03/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Cụ thể tình hình dịch bệnh tại các địa phương như sau:

+ Tại tỉnh Hưng Yên: Từ ngày 01/02 – 03/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 57 hộ, 12 thôn, 8 xã, 5 huyện. Toàn bộ 2.323 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

                + Tại tỉnh Thái Bình: Từ ngày 13/02 – 03/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 101 hộ, 33 thôn của 15 xã, 3 huyện. Toàn bộ 1.118 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

                + Tại thành phố Hải Phòng: Từ ngày 18/02 – 03/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 38 hộ, 15 thôn, 6 xã, 2 huyện. Toàn bộ 424 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

                + Tại tỉnh Thanh Hóa: Từ ngày 22/02 – 03/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra ở 01 hộ chăn nuôi tại xã Định Long, huyện Yên Định. Toàn bộ 226 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

                + Tại thành phố Hà Nội: Từ ngày 22/02 – 02/3/2019, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 01 hộ chăn nuôi lợn rừng tại khu Đầm Lấm, Phường Ngọc Thụy, Long Biên. Toàn bộ 25 con lợn rừng nuôi dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

+ Tại tỉnh Hà Nam: Từ ngày 27/02 – 02/3/2019, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 01 hộ chăn nuôi lợn rừng tại xã Văn Xã, huyện Kim Bảng. Toàn bộ 15 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

                + Tại tỉnh Hải Dương: Từ ngày 01/3 – 02/3/2019, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 03 hộ chăn nuôi lợn tại xã Hiến Thành, huyện Kim Môn. Toàn bộ 107 con lợn dương tính với bệnh đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.

                Đến trưa ngày 06/3/2019 tiếp tục phát hiện bệnh tại tỉnh Hòa Bình.

Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức.

Cục Thú y đã giải trình tự gien của vi rút DTLCP gây bệnh trên lợn tại Việt Nam giống 100% chủng vi rút DTLCP gây bệnh trên lợn tại Trung Quốc.

Đến nay, chưa có ổ dịch nào qua 30 ngày theo quy định tại Quyết định số 4527/QĐ-BNN-TY ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTLCP).

5. Tình hình bệnh DTLCP tại tỉnh ta

                Tính đến thời điểm hiện nay, Quảng Bình chưa ghi nhận bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh; Các loại bệnh khác như Tai xanh ở lợn, Cúm gia cầm, Dại chó… không xảy ra.

* Nguy cơ bệnh DTLCP xâm nhiễm.

- Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ lây lan từ các tỉnh phía Bắc vào tỉnh Quảng Bình là rất cao, nguyên nhân: thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

- Quảng Bình là tỉnh nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh; có cửa khẩu quốc tế Cha Lo, cảng Hòn La với lưu lượng hàng hóa lưu thông lớn.

- Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh DTLCP

- Khách du lịch mang theo thức ăn có chứa virus DTLCP, chim di cư;

- Thời tiết biến đổi bất lợi tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan;

- Việc kiểm tra, báo cáo tình hình dịch bệnh ở cơ sở còn chậm;

- Ý thức tự giác về công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn nhiều hạn chế; phần lớn chăn nuôi nhỏ lẻ, không nằm trong quy hoạch;

- Tại 02 chốt kiểm soát dịch bệnh động vật (Bắc, Nam) không đủ chức năng dừng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua tỉnh, chỉ kiểm tra được phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn tỉnh.

III. CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TRONG THỜI GIAN QUA

1. Văn bản chỉ đạo, điều hành

- Trong thời gian qua, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện, cụ thể:

+ Công điện số 06/CĐ-UBND ngày 10.9.2018 của UBND tỉnh vê việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm Dịch tả lợn Châu Phi;

+ Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 13.9.2018 của UBND tỉnh Công điện hỏa tốc về việc khẩn trương tập trung triển khai cá biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào tỉnh Quảng Bình.  

+ Kế hoạch số 2086/KH-UBND ngày 10/12/2018 của UBND tỉnh, kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2019;

+ Công điện khẩn số 01/CĐ-UBND ngày 02/01/2019 của UBND tỉnh về việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh Quảng Bình;

+ Kế hoạch số 2032/KH- UBND ngày 29/11/2018 của UBND tỉnh về hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Q.Bình.

+ Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 28/02/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

+ Kế hoạch số 296/KH-SNN-CNTY ngày 22/02/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT về tiêm phòng vắc xin các loại cho gia súc, gia cầm năm 2019.

2. Các biện pháp kỹ thuật

2.1. Khi chưa phát hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

                2.1.1. Giải pháp về kiểm soát vận chuyển

- Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân từ tỉnh khác vào địa bàn.

- Tổ chức kiểm soát, giám sát các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không và khách du lịch từ các nước đã và đang có dịch bệnh mang thịt lợn, kể cả sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến vào địa bàn tỉnh.

2.1.2. Giải pháp về quản lý chăn nuôi và an toàn sinh học

 Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở an toàn dịch trên đối tượng lợn.

2.1.3. Giải pháp về chủ động giám sát và cảnh báo dịch bệnh

Tăng cường chẩn đoán, giám sát, điều tra ổ dịch và ứng phó với dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng các trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu cần thiết cho việc tổ chức giám sát, điều tra ổ dịch và lấy mẫu xét nghiệm bệnh.

2.1.4. Giải pháp về truyền thông nguy cơ

 Tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến lực lượng thú y cơ sở, người chăn nuôi người dân về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không vứt xác động vật chết ra môi trường; Không mua bán gia súc bệnh, nghi mắc bệnh; Không sử dụng sản phẩm động vật nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc; Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.

2.2. Khi phát hiện ổ dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

2.2.1. Giải pháp tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn bị bệnh, nghi bị bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

- Không điều trị lợn bệnh, nghi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, buộc phải tiêu hủy trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

- Kịp thời hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định của Chính phủ.

2.2.2. Giải pháp khoanh vùng ổ dịch

                Tiến hành nhanh việc khoang vùng ổ dịch (Ổ dịch là trang trại hoặc hộ; vùng dịch là cấp xã/phường; vùng bị uy hiếp; vùng đệm) có biện pháp phòng, chống dịch cho từng vùng cụ thể.

2.2.3. Giải pháp dừng vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn

 Nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn ra, vào vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm (trừ trường hợp cơ sở đã được công nhn an toàn với các bệnh khác, cần phải lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi được phép vận chuyển ra ngoài dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền của địa phương).

2.2.4. Giải pháp về quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch

Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Tái đàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3. Kết quả triển khai công tác phòng, chống dịch

Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch, cụ thể:

- Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện, cấp xã.

- Thành lập các Chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tại các trục đường giao thông chính, liên thôn, liên xã với thành phần là Trưởng thôn, công an xã, thú y viên…

- Tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của thôn về tính chất nguy hiểm, các biện pháp phòng, chống bệnh và khuyến cáo người dân chủ động khai báo khi lợn có dấu hiệu nghi ngờ bệnh.

- In ấn tờ rơi cấp phát cho UBND các huyện, thành phố, thị xã;

- Chi cục đã hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch, đồng thời tạm ứng hơn 3.000 lít hóa chất sát trùng cấp phát cho các địa phương để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

- Thành lập tổ thu gom, xử lý xác lợn chết vứt ra môi trường theo quy định.

- Rà soát tổng đàn gia súc, gia cầm, chuẩn bị nhân lực, vật lực phục vụ công tác tiêm phòng định kỳ theo Kế hoạch của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT

                IV. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VÀ ĐỀ XUẤT VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ

* Kính đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục thú y:

- Hỗ trợ kinh phí, hóa chất, kit test nhanh bệnh DTL CP phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh;

- Bộ NN&PTNT Bổ sung quy hoạch cho Quảng bình có Trạm Kiểm dịch động vật vào hệ thống kiểm dịch đầu mối giao thông.

- Tập huấn chuyên môn sâu về bệnh DTLCP.

* Đề nghị UBND cấp huyện, xã:

- Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn và sản phẩm của lợn;

- Tăng cường tuyên truyền; làm tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, đường làng ngõ xóm bằng hóa chất và vôi bột.

- Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp;

- Chỉ đạo các ban, ngành liên quan cử cán bộ tham gia tại các chốt kiểm dịch tạm thời, Đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn, sản phẩm của lợn ra vào địa bàn.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[Trở về]

 

* Các ý kiến góp ý: