Bản in     Gởi bài viết  
Sẵn sàng cho đợt tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1/2016 
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 15/3, lực lượng thú y trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt ra quân tiêm vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm (GSGC). Hiện Chi cục Thú y tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ lượng vắc xin, các loại vật tư, hóa chất phục vụ đợt tiêm phòng.

Bà Nguyễn Thị Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, cho biết: Từ sau Tết Nguyên đán Bính Thân đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC tại nhiều địa phương trong toàn quốc diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi tổ chức tái đàn với số lượng lớn, nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh GSGC rất lớn. Để bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, bên cạnh việc tăng cường giám sát dịch bệnh, Chi cục đã chuẩn bị sẵn sàng vắc xin, các dụng cụ, vật tư, hóa chất thú y để đồng loạt ra quân tiêm phòng đợt 01/2016.
Để đợt ra quân tiêm phòng đạt kết quả tốt, ngay từ đầu năm 2016, Chi cục đã tham mưu cho Sở NN và PTNT, UBND tỉnh ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống đói rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm; Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 23/2/2016 về việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2016; Kế hoạch số 275/KH-SNN-TY ngày 29/2/2016 về việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm năm 2016; Kế hoạch số 276/KH-SNN-TY ngày 29/2/2016 về việc tiêm phòng vắc xin gia súc năm 2016. Đặc biệt Chi cục đã thành lập nhiều đoàn về tận các huyện, xã, vùng có nguy cơ lây lan, bùng phát dịch... để kiểm tra, kiểm soát tình hình, nhằm bảo đảm an toàn cho đàn gia súc, gia cầm.
Theo kế hoạch tiêm phòng vắc xin đợt 1, Chi cục chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 15/3-15/4 tiêm đại trà trên phạm vi toàn tỉnh; giai đoạn 2: từ 16/4-25/4 UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo hết quả tiêm phòng về Sở Nông nghiệp và PTNT để tập hợp báo cáo UBND tỉnh. Sở Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương thực hiện nhanh gọn, đúng kỹ thuật, đảm bảo tiến độ, khả năng bảo hộ miễn dịch đối với đàn gia súc đạt kết quả cao, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; tỷ lệ tiêm phòng đạt 100% số gia súc trong diện tiêm (80%) tổng đàn; thực hiện tốt công tác giám sát sau khi tiêm phòng, theo dõi và xử lý các trường hợp phát sinh sau khi tiêm...

Tiêm vắc xin cho đàn gia cầm tại xã Hưng Thủy (Lệ Thủy)


Trong đợt 1/2016, toàn tỉnh tiêm 75.000 liều vắc xin tụ huyến trùng trâu bò; 100.000 vắc xin dịch tả lợn, tam liên; 975.000 liều vắc xin cúm gia cầm... Ngày 09/3/2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 270/KH-UBND về việc tiêm phòng vacxin bệnh Lở mồm long móng (LMLM) gia súc năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Ngoài các đợt tiêm phòng chính, việc tiêm phòng bổ sung vacxin cho đàn gia súc được thực hiện liên tục. Số lượng vacxin phân bổ cho 08 huyện, thành phố, thị xã là 242.400 liều/121.200 con trâu, bò... Đối với trâu, bò, theo Chương trình Quốc gia Phòng, chống bệnh LMLM giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ mua 179.198 liều vacxin cho đàn trâu, bò thuộc vùng khống chế; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí mua 63.202 liều vắc xin LMLM thuộc vùng đệm. Riêng lợn nái ngoại, lợn đực giống, người chăn nuôi tự mua vacxin tiêm phòng tại Chi cục Thú y, Trạm thú y huyện, thành phố, thị xã để đảm bảo đúng chủng loại và chất lượng.
Rút kinh nghiệm từ các đợt tiêm phòng trước đây, để nâng cao tỉ lệ tiêm phòng và phát huy hiệu quả sử dụng vắc xin, Chi cục Thú y yêu cầu Trưởng Trạm Thú y các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-UBND của UBND tỉnh. Trong quá trình tiêm phòng, đề nghị chính quyền các địa phương bố trí cán bộ phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng địa bàn để kịp thời kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo công tác tiêm phòng, cũng như phòng, chống dịch bệnh động vật đạt kết quả tốt nhất.
Theo bà Nguyễn Thị Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, từng Trạm Thú y phải thành lập các tổ tiêm phòng với sự tham gia của lực lượng thú y xã và các hội, đoàn thể để thực hiện và phát huy hiệu quả công tác tiêm phòng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền kế hoạch tiêm phòng, thông báo lịch tiêm phòng cụ thể đến từng thôn, xóm và phổ biến các quy định phòng, chống dịch bệnh động vật để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện. Đối với các huyện miền núi, tập trung vận động bà con chăn nuôi có trâu, bò thả rông trên rừng núi nhanh chóng đưa trâu, bò về nuôi nhốt tại chuồng trại để thuận lợi cho việc tiêm phòng, đảm bảo đúng tiến độ và tỉ lệ theo quy định.

Thùy Trang

[Trở về]